Trên trường quay phim Hương Ga từng xuất hiện người đàn ông gày gò, nhỏ bé, một tay điều khiển xe lăn, tay kia thoăn thoắt thao tác máy ảnh. Anh được nhà sản xuất tin tưởng giao cho phụ trách công việc ghi lại hiện trường, "bắt" lại thần thái nhân vật. Đó là Trần Đức Lân - một cái tên khá mới trong giới nhiếp ảnh Sài Gòn nhưng được nhiều nghệ sĩ đánh giá cao.
- Xem thêm: Tay thi
Trần Đức Lân (ngồi bên phải) trong buổi ra mắt tự truyện của nghệ sĩ Thành Lộc.
|
Trần Đức Lân sinh năm 1979 tại Sài Gòn. Anh bị mù màu bẩm sinh. Cha mẹ ly hôn khi tròn một tuổi, Lân sống với bố rồi theo ông qua Bỉ năm 1994. Khi bước vào năm cuối bậc trung học, giữa bố và mẹ kế nảy sinh mâu thuẫn, anh phải nghỉ học, ra ngoài kiếm sống. Lân làm đủ nghề lao động chân tay, từ bồi bàn đến khuân vác, bưng bê. Đam mê duy nhất của anh chàng khi đó là xe phân khối lớn. Năm 2008, khi tham gia một cuộc đua mô tô, anh gặp tai nạn. Tỉnh dậy trong bệnh viện với đầu óc u mê, phải vài tháng sau Lân mới hay mình hoàn toàn không thể điều khiển đôi chân.
Sau hơn một năm được điều trị sức khỏe, tâm lý và được đào tạo mọi kỹ năng cần thiết để tự phục vụ, Lân rời bệnh viện và sống trong trạng thái trầm cảm. "Tôi gần như bị tự kỷ, nhốt mình trong nhà, dằn vặt bản thân trong suốt thời gian đó. Đang là một người khỏe mạnh, ưa bay nhảy, giờ phải ngồi một chỗ, tôi thấy thật bí bách". Nhớ lời tư vấn của bác sĩ, Đức Lân quyết định theo nghề nhiếp ảnh - một cách giao lưu với cuộc sống xung quanh qua từng khoảnh khắc anh cảm nhận được.
Đức Lân mất hai năm tự mua tài liệu, sách vở và lặn lội trên các trang web dạy nhiếp ảnh để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm lẫn trang bị về vốn thẩm mỹ. Trong lần về Việt Nam năm 2010, anh quyết định làm lại cuộc đời trên quê hương. Do được tập huấn mọi kỹ năng tự phục vụ nên Lân tự lo liệu cuộc sống trong căn hộ anh thuê trọ. Thi thoảng mẹ qua phụ lau dọn những chỗ trên cao - nơi mà Lân không thể với tay tới.
Lân trích một phần số tiền bảo hiểm được chi trả để thuê nhà, đầu tư trang thiết bị. Căn hộ chung cư 90 m2 được anh tận dụng phòng khách làm studio. Không biển hiệu treo trước cửa, không quảng bá rầm rộ, nhờ mối quen với một ông bầu showbiz, dần dần Lân nhận được những hợp đồng chụp người mẫu hay các bộ sưu tập thời trang mới.
"Tôi không chọn hướng đi như đa số nhiếp ảnh gia chụp mẫu ở Việt Nam, đó là chụp và làm ảnh theo phong cách Hàn Quốc. Tôi chú trọng yếu tố ánh sáng, hình khối và thần thái trên khuôn mặt nhân vật", Đức Lân cho biết. Quan niệm này được anh chia sẻ có được khi trở về từ cõi chết. "Tôi thay đổi hoàn toàn, sống chậm hơn và chiêm nghiệm nhiều về cuộc đời. Chụp ảnh đúng là cách để tôi suy ngẫm".
- Xem thêm: Giong hat viet
Trần Đức Lân (hàng ngồi, đầu tiên bên phải) trên phim trường "Hương Ga".
|
Với phong cách riêng, Đức Lân dần được giới người mẫu, diễn viên, ca sĩ tin tưởng tìm đến mỗi khi họ muốn lưu giữ hình ảnh. Nhà sản xuất phim "Hương ga" mời anh chụp hậu trường và chân dung nhân vật cho đoàn. Sau đó, anh được nghệ sĩ Thành Lộc đặt hàng cho cuốn tự truyện. "Khi người chụp và nhân vật có sự đồng cảm trong quan điểm nghệ thuật, mọi thứ còn lại không quan trọng. Với tôi, nhiếp ảnh là sự đồng điệu, không thuần túy là kỹ thuật hay doanh thu", Lân nhớ lại cảm giác khi chụp Thành Lộc. Bộ ảnh đó anh ra giá 2,5 triệu đồng. Mức giá cao nhất anh từng lấy khách hàng cũng chỉ 3 triệu đồng.
Tật nguyền nhưng bằng cảm quan nghệ thuật, Trần Đức Lân không gặp khó khi tạo ra những bức ảnh khác biệt, được khách hàng đánh giá cao.
"Những tấm ảnh anh Lân chụp rất thật, rất đời thường nhưng đầy chất nghệ thuật", diễn viên Hiếu Nguyễn cho biết.
Ảnh của Trần Đức Lân đa phần là ảnh đen trắng. Nhưng các bức ảnh màu của anh cũng được đánh giá khá sắc sảo, dù anh bị mù màu bẩm sinh. "Khi làm màu, tôi dựa trên các chỉ số có sẵn trong phần mềm chỉnh sửa. Để chắc chắn hơn với những bộ ảnh quan trọng, tôi nhờ một người đứng cạnh quan sát và đưa ra nhận xét khách quan để chỉnh màu cho phù hợp", Đức Lân cho biết.
Bị liệt hai chân nhưng Lân không ngại di chuyển theo các đoàn phim để chụp ảnh. "Khi chụp Hương Ga tôi cứ nương theo máy quay, chuẩn bị sẵn sàng, chờ khoảnh khắc đắt là chụp. Khi chụp mẫu, do ngồi trên xe lăn, tôi thường chỉ chọn được góc máy chếch từ dưới lên. Điều này vô tình khiến các người mẫu thích thú vì nhờ vậy nhìn họ có vẻ cao hơn".
Trần Đức Lân trước khi bị tai nạn mô tô dẫn đến liệt hai chân.
|
Không dừng lại ở việc chụp mẫu, chụp hậu trường phim, Trần Đức Lân còn ôm ấp nhiều dự án nhiếp ảnh dành cho giới đồng tính, gái mại dâm, người nghiện hút, tội phạm... Ngày nắng cũng như ngày mưa, rảnh rỗi là Lân đẩy xe lăn đi từng bờ sông, góc chợ thuyết phục những đối tượng trên cho anh chụp ảnh.
"Tôi chẳng còn gì để mất nên không ngại va chạm với những đối tượng như vậy. Nhiều lần tôi bị xe đụng mỗi khi qua đường. Ngã rồi lại tự bò dậy leo lên xe lăn. Tuy nhiên, trường hợp đó ít xảy ra vì hầu như khi ra ngoài, tôi đều có bạn giúp đỡ", anh Lân cho biết.
Theo Bao phu nu
Theo Bao phu nu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét